Một số ý kiến về quy định chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở
 Thứ sáu, 14 Tháng 5 2021 09:39 - 1657 Lượt xem
In

Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng và các hòa giải viên tham gia hòa giải hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm với cộng đồng và không có danh lợi để góp phần duy trì sự hài hòa và ổn định của xã hội. Khi tham gia công tác hòa giải, hòa giải viên thường gặp nhiều áp lực khác nhau, phải bỏ thời gian riêng của cá nhân để làm công tác hòa giải, đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của người dân, sự không thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ từ phía gia đình, người thân... Và thực tế cũng cho thấy, nếu hoạt động của các hòa giải viên là tự nguyện và cơ bản dựa trên sự nhiệt tình cá nhân của họ thì sự nhiệt tình đó cũng rất cần được “hỗ trợ và động viên” về vật chất, ở mức độ nhất định, để duy trì. Để động viên, khích lệ hòa giải viên, Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hoà giải viên có quyền “hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải”. Quy định này đã được cụ thể trong Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP.

 

1. Về điều kiện hưởng thù lao của hòa giải viên
Hòa giải viên được hưởng thù lao cả trong trường hợp hòa giải thành và hòa giải không thành và để được hỗ trợ thù lao, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất,vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc theo quy định tại Điều 23 của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

2. Mức chi
Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): mức tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

3. Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên
- Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 
- Tổ hòa giải thực hiện trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tính đến nay, cả nước đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Nghị quyết (HĐND), Quyết định (UBND) quy định về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên... tại địa phương. Đối với các tỉnh, thành phố không ban hành văn bản riêng thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP.  Thực tiễn thi hành quy định này cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế; như:
(i) Vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện việc chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định. Thậm chí ngay trên cùng địa bàn tỉnh, việc chi thù lao vụ việc hòa giải cho hòa giải viên cũng không đồng đều, thống nhất (xã bố trí kinh phí thì chi 200.000 đồng/ vụ, việc; xã không bố trí được kinh phí thì không chi hoặc chi ở mức thấp hơn khoảng 50.000 đồng/ vụ, việc; hay có địa phương thì thực hiện quy định chi thù lao vụ việc hòa giải thành là 200.000 đồng, vụ việc hòa giải không thành là 150.000 đồng...
(ii) Tại thời điểm xây dựng Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP, mức chi thù lao cho hòa giải viên được đề xuất dựa trên tỷ lệ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu chung từ năm 2010 đến năm 2014 có so sánh, đối chiếu với mức chi của các lĩnh vực có tính chất tương tự và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, mức lương tối thiểu chung cũng đã tăng so với thời điểm ban hành Thông tư. Chính vì vậy, mức chi “tối đa 200.000 đồng” như hiện tại là quá thấp; đó là chưa tính đến ở một số địa phương có điều kiện về nguồn lực kinh phí muốn tăng mức chi thù lao vụ, việc hòa giải nhằm hỗ trợ, khuyến khích, động viên hòa giải viên tích cực tham gia công tác này thì lại không thực hiện được do vướng quy định mức “tối đa” này.
(iii) Việc quy định một mức chung tối đa 200.000 đồng/vụ, việc không phân biệt mức độ, tính chất, quy mô phức tạp của mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, theo quan điểm cá nhân, dường như đang “cào bằng” giá trị, công sức bỏ ra của hòa giải viên. Bởi thực tế cho thấy, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật có tính chất đơn giản -  phức tạp, dễ - khó hòa giải khác nhau. Có những vụ việc hòa giải viên tiến hành hòa giải thành rất nhanh, dễ dàng, song cũng có những vụ việc phải mất rất nhiều công sức, thời gian đi lại để gặp gỡ các bên liên quan tranh chấp, tìm hiểu quy định pháp luật liên quan, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro...
Vậy nên,  cần thiết có những nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn, tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện và đặc biệt là “công bằng” hơn. Xin chia sẻ cách quy định thù lao hòa giải viên, mà theo quan điểm cá nhân, có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi quy định này .
Thứ nhất,  quy định về thù lao hòa giải viên nhân dân tại huyện Hoắc Khấu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Theo đó, trợ cấp cho hòa giải viên nhân dân ở đây được thực hiện cho một vụ việc hòa giải, nếu nhiều hòa giải viên nhân dân cùng hòa giải một vụ thì được tính là một vụ. Tiêu chuẩn trợ cấp được xác định theo chất lượng, mức độ khó khăn, tác động xã hội và quy cách của hồ sơ hòa giải. Cụ thể:
(1) Đối với các vụ việc tranh chấp đơn giản mà hòa giải thành, đạt được thỏa thuận bằng miệng và hoàn thành "Phiếu đăng ký hòa giải nhân dân bằng miệng" hoặc các vụ việc chỉ có "Thỏa thuận hòa giải nhân dân" về nguyên tắc không được trợ cấp.
(2) Hòa giải thành công các xung đột và tranh chấp xã hội nói chung[1], hồ sơ, tài liệu hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn và trợ cấp 200 nhân dân tệ cho mỗi vụ việc (tương đương khoảng 721.503,85 VNĐ).
(3) Hòa giải thành công các xung đột và tranh chấp xã hội khó khăn[2], hồ sơ, tài liệu hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn và trợ cấp 300 nhân dân tệ cho mỗi vụ việc.
(4) Hòa giải thành công các xung đột và tranh chấp xã hội lớn[3], hồ sơ, tài liệu hoàn chỉnh, đạt  tiêu chuẩn và trợ cấp 400 nhân dân tệ cho mỗi vụ việc. Tranh chấp liên quan đến cái chết bất thường của 1 người sẽ được trợ cấp 600 nhân dân tệ cho mỗi trường hợp; tranh chấp liên quan đến cái chết bất thường của 2 người hoặc bị thương nặng của 3 người sẽ được trợ cấp 800 nhân dân tệ cho mỗi trường hợp.
(5) Hòa giải thành công các xung đột và tranh chấp xã hội đặc biệt lớn[4] mà không liên quan đến thương vong sẽ được trợ cấp 1.000 nhân dân tệ cho mỗi trường hợp; đối với trường hợp tử vong bất thường, trợ cấp 2.000 nhân dân tệ cho mỗi trường hợp.
Đối với các công việc tồn đọng trên một năm và dưới ba năm, với hồ sơ hoàn chỉnh và quy trình thiết lập hồ sơ tài liệu đúng tiêu chuẩn, sẽ được trợ cấp 1.000 nhân dân tệ mỗi vụ việc. Một công việc tồn đọng hơn ba năm đã được giám sát bởi bộ phận văn thư và kiểm tra ở cấp tỉnh, với tài liệu hoàn chỉnh, quy trình thiết lập hồ sơ tài liệu đúng tiêu chuẩn và trợ cấp 2.000 nhân dân tệ cho mỗi vụ việc.
(6) Đối với các tranh chấp thuộc loại (3), (4) và (5) nêu trên, Ủy ban hòa giải nhân dân đã tiến hành hòa giải trong ba tháng, và tranh chấp đã quá ba lần hòa giải mà vẫn hòa giải không thành. Vụ việc bị chấm dứt hòa giải, cả hai bên được hướng dẫn bảo vệ quyền lợi của mình theo các kênh thông thường và hợp pháp, tiêu chuẩn trợ cấp là 200 nhân dân tệ/vụ.
Về các tiêu chuẩn để xác định định mức trường hợp cụ thể:
(i) Hồ sơ hòa giải chủ yếu bao gồm: hồ sơ (bìa, mục lục, bìa sau), đơn hòa giải, đơn đăng ký hòa giải thụ lý tranh chấp, biên bản điều tra, xác định các bên và các tài liệu chứng cứ liên quan, thông báo hòa giải, biên bản điều tra và hòa giải thỏa thuận (Thư chấm dứt hòa giải), hồ sơ chuyến thăm trở lại, tài liệu đính kèm và mô tả hồ sơ;
(ii) Các bên được yêu cầu có đầy đủ thông tin, hồ sơ điều tra được chuẩn hóa, dữ kiện rõ ràng, đủ bằng chứng liên quan và thu thập đầy đủ;
(iii) Thỏa thuận hòa giải yêu cầu các quyền và nghĩa vụ cụ thể, thời gian và địa điểm thực hiện rõ ràng;
(iv) Biên bản trở lại yêu cầu ghi lại việc thực hiện thỏa thuận và ý kiến ​​của các bên về hòa giải tranh chấp;
(v) Các luật và quy định được áp dụng cho vụ việc hòa giải là đúng đắn và không vi phạm trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục;
(vi) Chữ ký, dấu vân tay và quy cách con dấu;
(vii) Các tài liệu của hồ sơ hòa giải phải được đóng theo thứ tự của các tài liệu nêu trên.
Và mới đây nhất, tại Điều 9 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định, hòa giải viên sẽ được trả thù lao theo từng vụ việc sau khi đã tiến hành phiên hòa giải, đối thoại như sau:
- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng mức thù lao cụ thể trong khung mức thù lao từ 1.000.000 đồng/01 vụ việc đến tối đa 1.500.000 đồng/01 vụ việc;
- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng mức thù lao cụ thể trong khung mức thù lao từ 500.000 đồng/01 vụ việc đến dưới 1.000.000 đồng/01 vụ việc;
Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án nhân dân chi trả mức thù lao cụ thể tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định này căn cứ vào số lượng phiên hòa giải, đối thoại và tính chất phức tạp của vụ việc hòa giải, đối thoại.
- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng mức thù lao 500.000/01 vụ việc.
Từ thực tiễn thi hành quy định pháp luật chi thù lao vụ việc hòa giải nên trên, tham khảo quy định của một số nước, bước đầu xin có một số ý kiến đề xuất sửa đổi sau:

  • Thứ nhất, căn cứ chi thù lao cho hòa giải viên là vụ việc đã được tiến hành hòa giải; nếu một vụ việc có nhiều hòa giải viên cùng tham gia hòa giải thì được tính là một vụ việc.
  • Thứ hai, về định mức chi:
+ Không quy định mức chi tối đa như tại Thông tư liên tịch số 100 mà quy định khung mức thù lao từ XXX đồng/vụ việc đến YYY đồng/vụ việc và sẽ có các khung thù lao khác nhau tùy thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc hòa giải.
Ví dụ:
“1. Hòa giải viên được hưởng mức thù lao cụ thể trong khung mức thù lao từ 300.000 đồng/01 vụ việc đến tối đa 500.000 đồng/01 vụ việc khi vụ việc hòa giải kết thúc theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Hòa giải ở cơ sở và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương đối đơn giản, liên quan đến số lượng từ 3 người trở xuống hoặc liên quan đến tranh chấp có giá trị dưới 1.000.000 đồng; (ii) Tranh chấp chung trong cộng đồng dân cư; (iii) Tranh chấp, mâu thuẫn chung về hôn nhân và gia đình;…
3. Hòa giải viên được hưởng mức thù lao cụ thể trong khung mức thù lao từ 1.000.000 đồng/01 vụ việc đến tối đa 1.500.000 đồng/01 vụ việc khi vụ việc hòa giải kết thúc theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Hòa giải ở cơ sở và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có phân định mức chi giữa hòa giải thành và hòa giải không thành. Cụ thể, khung mức chi đối với trường hợp hòa giải không thành nên quy định bằng với khung mức chi thù lao thấp nhất đối với trường hợp hòa giải thành. Vụ việc được tính chi thù lao khi: (i) Tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải trong ba tháng; (ii) đã tiến hành hòa giải quá ba lần mà vẫn không thành; (iii) Vụ việc bị kết thúc hòa giải, các bên được hướng dẫn bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách
Trên đây là một số ý kiến về quy định hiện hành về chi thù lao hòa giải viên ở cơ sở, tác giả bài viết rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ phía bạn đọc./.
Hải Anh (Moj.gov.vn)
[1]Xung đột và tranh chấp xã hội chung được xác định gồm các trường hợp sau:
+ Vụ việc tương đối đơn giản, liên quan đến số lượng từ 5 người trở xuống (gồm 5 người) hoặc liên quan đến tranh chấp 5-10 nhân dân tệ (không bao gồm 10 nhân dân tệ);
+ Tranh chấp chung của khu phố;
+ Tranh chấp chung về hôn nhân và gia đình;
+ Các tranh chấp về xâm phạm chung;
+ Tranh chấp chung về sản xuất kinh doanh;
+ Tranh chấp lao động có tình tiết rõ ràng, dễ dàng hòa giải.
[2]Thuộc một trong những trường hợp sau đây có thể được coi là một tranh chấp mâu thuẫn xã hội khó giải quyết:
+ Số lượng người liên quan là 6 - 10 người hoặc số tiền liên quan là 100.000 - 400.000 nhân dân tệ (chưa bao gồm 400.000 nhân dân tệ);
+ Tranh chấp trong các lĩnh vực chính như quản lý đô thị, tai nạn nghề nghiệp, điều trị y tế, an toàn sản xuất, lao động và vốn, thu hồi đất, tai nạn giao thông đường bộ, giáo dục, quản lý thị trường, dân sự, nông nghiệp, bảo vệ môi trường;
+ Tranh chấp về thay đổi quyền sở hữu;
+ Tranh chấp do các phòng ban cấp quận có liên quan phân công;
+ Tranh chấp do tòa án nhân dân quận ủy thác hòa giải;
+ Tranh chấp mà Ban hòa giải nhân dân thôn hòa giải nhiều lần không được thì làm đơn yêu cầu Ban hòa giải nhân dân thị trấn hòa giải.
 [3]Trong bất kỳ trường hợp nào sau đây, có thể được xác định là một xung đột và tranh chấp xã hội lớn:
+ Liên quan đến số lượng từ 11-30 người trở lên (không bao gồm 30 người) hoặc liên quan đến 40-100 triệu nhân dân tệ (không bao gồm 100 triệu nhân dân tệ) đang tranh chấp;
+ Những mâu thuẫn, tranh chấp có ảnh hưởng lớn đến ổn định xã hội;
+ Xung đột và tranh chấp nhóm đột ngột;
+ Tranh chấp về thương vong do tai nạn lớn.
[4]Trong bất kỳ trường hợp nào sau đây, có thể được xác định là một tranh chấp xung đột xã hội đặc biệt nghiêm trọng:
+ Tranh chấp về thương vong do tai nạn rất nghiêm trọng;
+ Số liên quan đến 30 người trở lên hoặc liên quan đến 100 triệu nhân dân tệ tranh chấp;
+ Tranh chấp liên quan đến các tác động xã hội lớn giữa các quận, huyện, thị xã và đơn vị;
+ Có nhiều tranh chấp khiếu kiện liên quan đến việc khởi kiện do có ý kiến ​​khác nhau về cơ quan công quyền, viện kiểm sát và cơ quan hành pháp;
+ Các phòng ban liên quan ở cấp quận hoặc huyện đã nhiều lần không hòa giải được hoặc được giao nhiệm vụ hòa giải các tranh chấp trong hơn một năm mà không có kết quả

Tin mới:
Các tin khác: