Quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi– bất cập, hạn chế và đề xuất, kiến nghị sửa đổi
 Thứ tư, 03 Tháng 3 2021 14:27 - 368 Lượt xem
In

Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi là một trong các quyền của con người, quyền công dân được pháp luật công nhận và bảo hộ. Việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần, trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Là biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa có mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời việc nuôi con nuôi còn giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho Nhà nước ta trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ đề cập đến quy định về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực nuôi con nuôi, những bất cấp, hạn chế của các quy định và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi đáp ứng tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ TTHC là thấp nhất.
I. Quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi
Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi là một trong các quyền của con người, quyền công dân được pháp luật công nhận, bảo hộ được quy định tại các văn bản QPPL như sau:
- Hiến pháp (Điều 36, 37);
- Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế;
- Bộ luật Dân sự (Điều 39);
- Luật Hôn nhân và gia đình (Điều 78);
- Luật Nuôi con nuôi;  
- Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của  Luật nuôi con nuôi;
- Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 5/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
- Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi; lệ phí cấp phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài;
- Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/20120 của Bộ Tư pháp về việc ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi;
- Thông tư liên tịch số 146/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 7 tháng 9 năm 2012 giữa Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài;
- Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc quản lý văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH ngày 22/02/2016 Hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, lĩnh vực nuôi con nuôi đã được điều chỉnh bởi nhiều văn bản QPPL từ Điều ước quốc tế, Hiến pháp, luật đến thông tư, đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Trên cơ sở các văn bản QPPL nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-BTP ngày 04/02/2021 về việc công bố TTHC được chuẩn hóa trong lĩnh vực nuôi con nuôi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo quyết định công bố nêu trên, hiện nay lĩnh vực nuôi con nuôi có 14 TTHC thực hiện ở 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã. TTHC ở cấp Trung ương gồm: thủ tục Cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Cấp giấy xác nhận công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi. TTHC ở cấp tỉnh gồm: thủ tục Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng; Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; Đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; Cấp giấy xác nhận công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới đủ điều kiện nhận trẻ em của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới làm con nuôi. TTHC ở cấp huyện gồm: thủ tục Ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. TTHC ở cấp xã gồm: thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước; Đăng ký lại việc nuôi con nuôi trong nước; Đăng ký lại việc nuôi con nuôi trong nước. Để tra cứu tìm hiểm thông tin về các TTHC này, cá nhân, tổ chức truy cập vào Trang thông tin thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp (http://moj.gov.vn/thutuchanhchinh).
II. Một số bất cập, hạn chế về quy định TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi  và đề xuất, kiến nghị sửa đổi

1. Thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước
Thứ nhất, quy định rõ các giấy tờ chứng minh điều kiện về kinh tế, chỗ ở của người nhận con nuôi:
Điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định người nhận con nuôi phải có điều kiện về kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi nhưng Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 chưa có quy định cụ thể về các giấy tờ chứng minh các điều kiện đó mà giao trách nhiệm xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp. Tuy nhiên để thực hiện việc xác nhận này thì Ủy ban nhân dân cấp xã lại phải yêu cầu người nhận con nuôi phải cung cấp giấy tờ để chứng minh điều kiện kinh tế, chỗ ở của người nhận con nuôi. Trong khi, pháp luật về nuôi con nuôi chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, dẫn đến sự lúng túng, khó khăn, chưa thống nhất trong quá trình thực hiện, có thể dẫn đến phát sinh TTHC hoặc nhũng nhiễu cho người nhận nuôi con nuôi. Do đó, cần thiết bổ sung quy định rõ trách nhiệm chứng minh và cung cấp các giấy tờ chứng minh điều kiện về kinh tế, chỗ ở của người nhận con nuôi để đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất, thuận tiện trong quá trình thực hiện TTHC. Theo đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Thứ hai, bỏ một số giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ nuôi con nuôi:
- Bỏ quy định về việc phải có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi (trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi):
Theo quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch thì khi đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi thì thành phần hồ sơ đăng ký cần có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi. Trong khi đó, hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi đã có Giấy khai sinh của trẻ em. Vì vậy, việc yêu cầu phải có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi trong hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi là không cần thiết.
- Bỏ quy định về việc phải có giấy khám sức khỏe của trẻ em trong hồ sơ nuôi con nuôi.
Thực tế qua 10 năm triển khai thi hành Luật nuôi con nuôi, quy định bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe của trẻ em trong hồ sơ nuôi con nuôi trong nước đã làm ảnh hưởng đến việc được nhận làm con nuôi của trẻ em. Mặt khác, xuất phát từ tâm lý của cha mẹ nuôi Việt Nam, thường tiếp xúc và tìm hiểu về trẻ em trước khi nhận trẻ em đó làm con nuôi nên cha mẹ nuôi cũng đã biết trước tình trạng sức khỏe của trẻ em mình mong muốn nhận. Do đó, việc quy định về giấy khám sức khỏe của trẻ trong hồ sơ nuôi con nuôi là không cần thiết.
- Bỏ yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi trong trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi:
Việc bỏ quy định trên nhằm tạo điều kiện nhanh chóng và thuận lợi nhất để đứa trẻ được sống bên gia đình mới với cha/mẹ đẻ và cha dượng/mẹ kế.Thực tế đứa trẻ vẫn về ở với cha/mẹ đẻ và cha dượng/mẹ kế cho dù có thực hiện việc đăng ký hay không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu TTHC quá rườm rà có thể dẫn đến việc không đăng ký, làm cho quyền, lợi ích của đứa trẻ không đảm bảo. Cha đẻ/mẹ đẻ là người trực tiếp bảo vệ đứa trẻ dưới một mái ấm gia định bên cạnh cơ chế bảo vệ khác theo quy định của pháp luật hiện hành như chế độ báo cáo trong 3 năm tại Luật Nuôi con nuôi, cơ chế bảo vệ tại Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Theo đó, kiến nghị sửa đổi Điều 17, 18 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Thứ ba, sửa đổi thời gian thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi tại khoản 1 Điều 22 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 theo hướng trong 20 ngày thì có 15 ngày để người liên quan thay đổi ý kiến và 05 ngày để UBND cấp xã tổ chức đăng ký việc nuôi con nuôi:  
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Nuôi con nuôi thì tổng thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong đó có 10 ngày để kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến người liên quan (Điều 20) và 20 ngày để đăng ký việc nuôi con nuôi (Điều 22). Tuy nhiên, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định nếu người liên quan đã đồng ý cho trẻ làm con nuôi nhưng sau đó muốn thay đổi ý kiến thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến, những người liên quan phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi đang giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi. Điều này có thể dẫn đến việc hiểu sai về thời hạn giải quyết thủ tục là 45 ngày. Vì vậy, với việc quy định rõ các mốc thời gian thực hiện thủ tục sẽ đảm bảo về thời gian giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày.
Theo đó, kiến nghị sửa đổi Điều 22 Luật nuôi con nuôi.
2. Về thủ tục Đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi chỉ quy định thời gian thực hiện thủ tục đăng ký lại việc nuôi con nuôi trong nước “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người yêu cầu đăng ký lại 01 bản chính Giấy chứng nhận nuôi con nuôi” mà chưa quy định thời gian thực hiện thủ tục đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài “Đối với trường hợp đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì Giám đốc Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài để cấp cho người yêu cầu đăng ký lại”. Theo đó, kiến nghị sửa đổi khoản 4 Điều 29 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định rõ thời gian Sở Tư pháp xem xét, trình UBND tỉnh, thời gian UBND tỉnh ký Quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài để cấp cho người yêu cầu đăng ký lại.
3. Thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
Thứ nhất, bỏ quy định về việc phải có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi (trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi):
Theo quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch thì khi đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi thì thành phần hồ sơ đăng ký cần có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi. Trong khi đó, hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi đã có Giấy khai sinh của trẻ em. Vì vậy, việc yêu cầu phải có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi trong hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi là không cần thiết.
Thứ hai, quy định rõ thời gian Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi, tổ chức lễ giao nhận con nuôi sau khi có quyết định của UBND tỉnh là trong thời hạn 3 ngày làm việc:
Khoản 4 Điều 41 quy định Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh. Vậy “ngay” là trong thời gian bao lâu?, kiến nghị thời gian thực hiện thủ tục là trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Theo đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 18, 41 Luật nuôi con nuôi.
4. Thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (đã được sửa đổi, bổ sung) chỉ quy định: “Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người nhận con nuôi nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ và xác nhận nếu người đó có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi” mà chưa quy định thời gian Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ và xác nhận người đó đủ điều kiện nuôi con nuôi. Từ đó, có thể dẫn đến sự sự không thống nhất, tùy tiện trong quá trình thực hiện.
Theo đó, kiến nghị sửa đổi khoản 3Điều 22 Nghị Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (đã sửa đổi, bổ sung) quy định rõ thời gian thực hiện thủ tục, kiến nghị quy định thời gian thực hiện là 15 ngày.
5. Thủ tục Cấp giấy xác nhận người Việt Nam đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi
Thứ nhất, bổ sung quy định số lượng hồ sơ phải nộp là 01 bộ.
Lý do là khoản 1 Điều 40 Luật Nuôi con nuôi không quy định.
Thứ hai, quy định giảm thời gian thực hiện thủ tục từ từ 30 ngày xuống 20 ngày, trường hợp cần xác minh thì thời gian giảm từ 60 ngày xuống 40 ngày.
Lý do là quy định thời gian thực hiện thủ tục như hiện hành là hơi dài, kiến nghị rút ngắn thời gian thực hiện tạo thuận lợi cho cá nhân song vẫn đảm bảo đủ thời gian để cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục.
Theo đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 40 Luật Nuôi con nuôi.
5. Thủ tục Đăng ký nhu cầu nhận con nuôi
Thủ tục đăng ký nhu cầu nhận con nuôi được quy định tại Điều 16 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 như sau: “Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết”, ngoài quy định nêu trên thì Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào về vấn đề này. Thủ tục này không có trong quyết định công bố của Bộ Tư pháp do chưa đầy đủ các bộ phận cấu thành của TTHC. Thực tế sau 05 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi năm 2010, chưa có trường hợp nào thực hiện trường hợp này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có nhiều trường hợp đăng ký nhu cầu nuôi con nuôi, nhất là người ở địa phương này muốn đăng ký nhu cầu nhận trẻ em ở địa phương khác làm con nuôi. Theo đó, để người yêu cầu đăng ký thuận tiện hơn khi thực hiện TTHC, kiến nghị sửa đổi, bổ sung về quy định đăng ký nhu cầu nhận con nuôi theo hướng như sau:
Về Cơ quan thực hiện thủ tục: Chuyển thẩm quyền thực hiện thủ tục từ Sở Tư pháp xuống cho UBND cấp xã (UBND cấp xã nơi thường trú và UBND cấp xã nơi tạm trú). Các gia đình có nhu cầu nhận nuôi con nuôi sẽ đăng ký nhu cầu với UBND cấp xã. Sau đó, UBND cấp xã sẽ gửi danh sách này cho Sở Tư pháp tổng hợp chung trên phạm vi toàn tỉnh. 
Lý do: Quy định người có nhu cầu đăng ký phải lên Sở Tư pháp để thực hiện là chưa thuận tiện (lên Sở Tư pháp khá xa). Việc chuyển thẩm quyền thực hiện xuống cho UBND xã sẽ thuận tiện hơn cho việc thực hiện và Sở Tư pháp vẫn nắm được thông tin trên toàn tỉnh. Mặt khác, với danh sách đăng ký nhu cầu này thì khi có trẻ bị bỏ rơi, cán bộ tư pháp có thể tìm được ngay nơi nuôi dưỡng tạm thời cho trẻ, nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy trong việc tìm nơi tạm thời nuôi dưỡng trước khi thực hiện thủ tục tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định.
- Về đối tượng thực hiện thủ tục: Mở rộng đối tượng thực hiện thủ tục theo hướng không chỉ công dân Việt Nam mà còn có thể là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Lý do: Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam cũng có nhu cầu nhận con nuôi nhưng họ chưa tìm được trẻ em nhận làm con nuôi thì họ có quyền đăng ký nhu cầu tại nơi họ thường trú.
- Về điều kiện thực hiện thủ tục: Người đăng ký chỉ cần có nguyện vọng chưa cần chứng minh đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi khi thực hiện thủ tục đăng ký.
Lý do: Thủ tục đăng ký chưa cần thiết phải xem xét đến đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi. Việc xem xét đủ điều kiện sẽ thực hiện tại thủ tục đăng ký nuôi con nuôi chính thức.
Theo đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 16 Luật Nuôi con nuôi. 
Như vậy, với việc Quốc hội khóa XII thông qua Luật Nuôi con nuôi năm 2010, sau đó Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực nuôi con nuôi, góp phần đưa công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi dần đi vào nền nếp, bức tranh tổng thể về nuôi con nuôi của Việt Nam nói chung và nuôi con nuôi quốc tế nói riêng đã được cải thiện trên phương diện quốc tế. Tuy nhiên, một số quy định trong đó có quy định về TTHC của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và các văn bản hướng dẫn vẫn còn tồn tại, hạn chế gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Mong rằng trong thời gian tới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, hoàn thiện thể chế liên quan đến nuôi con nuôi theo hướng tạo thuận tiện hơn cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết các TTTHC, hướng tớ mục tiêu cuối cùng là nhanh chóng tìm được mái ấm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi; thực hiện tốt chính sách nhân đạo; góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nguyễn Trà My
Nguồn Bộ Tư pháp

Tin mới:
Các tin khác: